Tháng 5 trở đi Hà Nội bắt đầu rộn sắc quà phố. Gió nhè nhẹ, man mát mang theo vô vàn những hương vị thân thương, quen thuộc. Có thứ hương thơm đặc trưng của đất Hà Thành mà Cụ Thạch Lam đã từng ví như là : “Một thứ quà của lúa non” trong Hà Nội 36 Phố Phường. Một thứ quà đặc sản chắc hẳn phải quyến rũ, đặc biệt lắm mới khiến Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn dành tặng những ca từ đẹp đẽ nhất cho bài hát của Ông:
“Hà Nội mùa thu mùa thu Hà Nội
Mùa Hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa Cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”
Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, không ai là không nghe danh Cốm Làng Vòng (một làng nhỏ ven đô, trước thuộc Huyện Từ Liêm, nay thuộc Quận Cầu Giấy – Hà Nội). Cốm làng Vòng Hà Nội nổi tiếng khắp 4 phương bởi màu cốm xanh mát như màu xanh của ngọc, hạt cốm dẻo, cho vào miệng ăn có vị ngọt, thơm mùi sữa của lúa nếp non và không bị ngăm. Ngày xưa mỗi đận sắp đến rằm Trung Thu là vào vụ cốm, cả làng Vòng lại rộn rã tiếng chày giã cốm. Bất kỳ ai đi qua đây cũng đều cảm nhận được tiếng chày, tiếng cối thập tình như một bản đồng ca của những Người Nghệ Sĩ Nông Dân. Nói không Ngoa chứ người làng Vòng khi nghe tiếng chày cối giao thoa có lẽ cũng biết được là chày cối của nhà nào vừa mới nổi.
Để làm ra thứ cốm ngon trứ danh là hàng loạt các công đoạn của những Nghệ Nhân Cốm Làng Vòng từ việc lựa chọn những bông lúa nếp non thơm ngon đủ độ nhất từ những cánh đồng bao la, bát ngát (lúa nếp non khi cầm hạt trên tay dùng móng tay bấm phải ra giọt sữa bên trong lớp vỏ trấu màu xanh). Tiếp đó là mang về tuốt lúa lấy thóc, giã thóc sàng chấu, rang hạt,… để rồi thành phẩm cuối cùng là thứ hạt dẻo như xôi chứa đựng biết bao sự trân trọng và vất vả của người làm ra chúng.
Cốm Vòng đúng kiểu được gói trong hai lớp lá. Hạt cốm được gói trực tiếp bằng lá “ráy” giữ cho Cốm không bị khô và để được lâu hơn, lớp lá Sen được bao bọc bên ngoài như để nhấn nhá hương Sen thơm mát, phảng phất tạo sự ngon miệng cho người dùng. Sau cùng là hai dây lạt mềm làm từ thân cây lúa đã tuốt hết hạt, có khi là còn vương lại những hạt “lép” buộc vuông góc nhau làm cho gói cốm thêm phần chắc chắn và nhìn rất bắt mắt.
Sự gói gém cốm đã kỹ càng, chỉn chu thì sự thưởng thức cốm cũng cầu kỳ không kém cạnh.
Cốm là thứ Quà không dành cho người “sống gấp”, kẻ “ăn thùng uống vại”. Ăn cốm tươi đúng kiểu là phải nhẹ nhàng dùng 5 đầu ngón tay nhón một ít rồi bỏ vào miệng. Nhón cốm mà mạnh tay chẳng may ngón tay cào rách lớp lá ráy gói cốm thì có mà ngứa tung mồm tung miệng, ngứa từ mồm vào cho đến cuống họng rồi lại khổ vì cái sự ăn. Cốm cho vào miệng rồi cứ thế mà từ từ thưởng thức và thẩm thấu từng chút, từng chút một hương vị thanh tao của Làng Quê Việt!
Có một thứ quả mà khi ăn kèm với Cốm tươi được ví như Cậu với Mợ, không thể hợp cạ hơn được đó là Chuối tiêu trứng Cuốc (quả chuối tiêu chín tự nhiên có những chấm đen ở vỏ giống như quả trứng của Con Cuốc). Này nhé! Sau bữa cơm chiều, pha một ấm trà, mở gói Cốm Vòng thơm phức, lột vỏ quả chuối tiêu, chấm chấm một chút cốm rồi bỏ vào miệng ăn, sau đó nhâm nhi một ngụm trà mạn loại hảo hạng nước xanh biêng biếc. Để rồi bao nhiêu tinh hoa ẩm thực từ thơm, dẻo, ngọt, mềm,.. cứ thế cuốn trôi vào trong cổ họng hết rồi còn đâu. Thử hỏi cuộc sống này còn gì có thể “Tao Nhã” hơn không?
Cốm Làng Vòng Hà Nội còn có thể chế biến được rất nhiều món như Chè cốm, bánh cốm, chả cốm hay cốm xào. Những món ăn chơi này cũng có những hương vị riêng khác nhau nhưng chỉ mang tính thưởng thức cho biết chứ thú thật là cốm tươi mà chế biến ra bất kỳ món ăn nào khác thì ít nhiều gì cũng làm mất đi hương vị tinh khiết của nó. Các cụ đã dạy rồi. Cốm tươi cứ phải “Ăn tươi nuốt sống” mới là Sành.
Cốm Vòng hảo hạng còn có một sự độc đáo và đặc biệt vô cùng. Hễ ăn mà không hết chỉ cần đem bỏ ngăn mát tủ lạnh. Hôm sau dùng tiếp thấy Cốm bị cứng thì cứ thế mà vẩy lên đó một chút nước là Cốm lại tự mềm dẻo và thơm ngon như thủa ban đầu.
Làng vòng bao nhiêu năm đã thay đổi nhiều. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Đi qua chỉ còn chiếc cổng làng là dấu tích duy nhất khiến ta nhận ra ngôi làng này. Cũng không còn tiếng chày tiếng cối giã cốm nhịp nhàng thân quen. Có nhẽ nhiều người đã bỏ nghề. May đâu còn lác đác vài hộ vẫn còn Yêu thứ nghề gia truyền này. Chỉ có Cốm Vòng Hà Nội là vẫn còn giữ nguyên thứ hương của Mùa Thu, của Hà Nội xưa mà khiến bất cứ một người con đất Hà Thành nào khi đi thì nhớ, khi về thì thương.
Phòng QLĐT sưu tầm theo comhanoi.net